Thứ Năm, 9 tháng 11, 2023

Thứ Năm, 5 tháng 10, 2023

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

                               NHẬP BỒ TÁT HẠNH

                      -------------------------ೋ•--------------------------

(Đoạn pháp thoại này được Sư Phụ Long Viễn khai thị cho một số hành giả tu Đại Thừa đến tham vấn, con Hồng Tuyến kính xin lược ghi lại)

...

Hỏi: Kính bạch thầy: Thế nào là Bồ Tát hạnh?

Đáp: Bồ Tát hạnh tức là diệu hạnh của Bồ Tát hướng đến thủ chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Hỏi: Các đại Bồ Tát phải thực hành hạnh Bồ Tát ở đâu?

Đáp: Ngay nơi ngũ thủ uẩn này, tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn. Bồ Tát chiếu kiến với trí tuệ ngũ thủ uẩn vốn là Không, cũng Không luôn cái Không quán ấy, Không quán đã Không rồi xoay lại cái Không của Không cũng Không, còn Không tức chẳng phải Không, nên cũng Không luôn cái Không ấy, đến chỗ xa lìa hết thảy tư duy, bặt dứt ngôn ngữ chỉ còn lại một bầu giác tánh trạm nhiên bất động, liền nhập vào Đệ Nhất Nghĩa Không, thắng giải cùng cực các pháp, thâm nhập biển chân như thực tướng một cách chân thật. Đó là Bồ Tát thực hành hạnh Bồ Tát.

Lại nữa: Theo Kinh Đại Bát Nhã nói:

Phải hành Bồ Tát hạnh nơi nhãn xứ cho đến ý xứ Không. Phải hành Bồ Tát hạnh nơi sắc xứ thọ đến pháp  xứ Không. Phải hành Bồ Tát hạnh nơi  nhãn giới cho đến ý giới Không. Phải hành Bồ Tát hạnh nơi sắc giới cho đến pháp giới Không. Phải hành Bồ Tát hạnh nơi nhãn thức giới cho đến ý thức giới Không. Phải hành Bồ Tát hạnh nơi nhãn xúc cho đến ý xúc Không. Phải hành Bồ Tát hạnh nơi các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra Không. Phải hành Bồ Tát hạnh nơi địa giới cho đến thức giới Không. Phải hành Bồ Tát hạnh nơi nhân duyên cho đến tăng thượng duyên Không. Phải hành Bồ Tát hạnh nơi vô minh cho đến lão tử Không."

Đúng lý mà nói thì Bồ Tát thực hành hạnh Bồ Tát khi đã chiếu kiến ngũ uẩn là Không rồi thì ai tạo tác? Ai thọ báo? Ai sở hành? Ai quán tri? Bồ Tát từng bước chánh quán mà thấy được Nhân Không và Pháp Không, ngộ và bước vào từng phần Pháp Thân của Phật. Cho nên khi liễu ngộ ngũ uẩn đều Không rồi thì nhãn xứ cho đến ý xứ cũng đều Không, cho đến sắc xứ cho đến pháp xứ cũng đều Không... cho đến nhân duyên- tăng thượng duyên cũng đều Không. Đã Không nơi cái Không, vì biết được Đệ Nhất Nghĩa Không, thì liền bước vào Tam Giải Thoát Môn: Không Giải Thoát Môn, Vô Tướng Giải Thoát Môn, Vô Tác Giải Thoát Môn mà vận hành Đại Tâm biến khắp mười phương, độ sanh không thể cùng tận, lực dụng không thể cùng tận, trí tuệ không thể cùng tận, phương tiện không thể cùng tận. Bồ Tát có thể phá diệt lưới ma, đoạn dòng khát ái, vượt thoát bộc lưu, xuất ấm giới ngục. Khi bản giác trạm nhiên hiển lộ rõ ràng rồi thì ngay nơi vô minh thực tánh tức Phật tánh, ngay nơi lão tử mà nhập vào dòng bất tử. Tại sao? Vì Bồ Tát đã thành tựu đại Tổng Trì Môn vậy.

Hỏi: Thế nào là Bồ Tát thành tựu đại Tổng Trì Môn?

Đáp: Khi các căn trong sáng thì trần cảnh cũng trong sáng, khi trần cảnh trong sáng thì tất cả pháp đều trong sáng, khi tất cả các pháp đều trong sáng nên Mười Lực, Bốn Vô Uý, Bốn Vô Ngại Trí, Mười Tám Bất Cọng Pháp, Bảy Bồ Đề Phần, cho đến tám mươi bốn ngàn Tổng Trì Môn đều trong sáng cả. Đó là Bồ Tát chứng được đại Viên Giác của Như Lai, cũng gọi là Bồ Tát thâm chứng nhất thiết đại Tổng Trì Môn. 

Tuy nhiên, ông phải biết Bồ Tát muốn thâm nhập kho tạng bí mật của Như Lai mà thâm chứng nhất thiết Môn Tổng Trì thì Bồ Tát phải ứng dụng tu tập đúng với trí tuệ, Bồ Tát phải biết nương tựa vào các pháp này mà tu, mà hành Bồ Tát đạo như người muốn qua sông phải nương thuyền bè... không thể không nương tựa, không hành thâm mà nhập vào biển Viên Giác được. Đó là các pháp gì mà Bồ Tát phải nương tựa, tu tập khi hành Bồ Tát đạo? Như Kinh Đại Bát Nhã nói:

- Phải nương tựa vào Lục Độ tức là Bồ Thí Ba La Mật cho đến Bát Nhã Ba La Mật.

- Phải nương vào pháp nội Không cho đến pháp vô tự tính Không. 

- Phải nương vào chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì để hành Bồ Tát hạnh. 

- Phải nương vào Tứ Thánh Đế là Khổ, Tập, Diệt, Đạo Thánh Đế. 

- Phải nương vào Bốn Niệm Trụ cho đến Tám Chi Thánh Đạo. 

- Phải nương vào Bốn Tịnh Lự để hành Bồ Tát hạnh.

- Phải nương vào Bốn Vô Lượng để hành Bồ Tát hạnh. 

- Phải nương vào Bốn Định Vô Sắc để hành Bồ Tát hạnh. 

- Phải nương vào Tám Giải Thoát để hành Bồ Tát hạnh. 

- Phải nương vào Tám Thắng Xứ để hành Bồ Tát hạnh. 

- Phải nương vào Chín Thứ Đệ Định để hành Bồ Tát hạnh. 

- Phải nương vào Mười Biến Xứ để hành Bồ Tát hạnh. 

- Phải nương vào Ba Giải Thoát để hành Bồ Tát hạnh. 

- Phải nương vào Thập Địa để hành Bồ Tát hạnh. 

- Phải nương vào tất cả pháp môn Đà-la-ni để hành Bồ Tát hạnh. 

- Phải nương vào tất cả pháp môn Tam-ma-địa để hành Bồ Tát hạnh. 

- Phải nương vào Ngũ Nhãn để hành Bồ Tát hạnh. 

- Phải nương vào Lục Thông để hành Bồ Tát hạnh. 

- Phải nương vào Mười Lực Như Lai để hành Bồ Tát hạnh. 

- Phải nương vào Tứ Vô Uý để hành Bồ Tát hạnh.

- Phải nương vào đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xã để hành Bồ Tát hạnh.

 - Phải nương vào Mười Tám Pháp Bất Cọng Trụ để hành Bồ Tát hạnh. 

- Phải nương vào pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả để hành Bồ Tát hạnh.

 - Phải nương vào Nhất Thiết Trí, Trí Đạo Tướng, Trí Nhất Thiết Tướng để hành Bồ Tát hạnh. 

- Phải nương vào việc trang nghiêm cõi Phật để hành Bồ Tát hạnh. 

- Phải nương vào việc thành thục hữu tình để hành Bồ Tát hạnh. 

- Phải nương vào việc phát sanh văn tự Đà-la-ni để hành Bồ Tát hạnh.

- Phải nương vào việc ngộ nhập văn tự Đà-la-ni để hành Bồ Tát hạnh. 

- Phải nương vào việc ngộ nhập không văn tự Đà-la-ni để hành Bồ Tát hạnh. 

- Phải nương vào việc làm phát sanh biện tài vô ngại để hành Bồ Tát hạnh. 

- Phải nương vào cảnh giới Hữu Vi để hành Bồ Tát hạnh. 

- Phải nương vào cảnh giới Vô Vi để hành Bồ Tát hạnh.

Khi Bồ Tát tu hành Bồ Tát đạo không phân biệt các tướng: nhị biên, nhị nguyên... cũng không phá hoại các tướng, có nhiều người không rõ không biết thế nào là tu hạnh Bồ Tát, chỉ căn cứ vào thức tình điên đảo với một số kiến thức về Đại Thừa rồi mở miệng như Thánh nhưng sở hành thì đúng là vô văn phàm phu, mở miệng dạy người đã tu hạnh Bồ Tát thì không trụ, không chấp vào những sở hành của mình... nhưng hỏi lại diệu hành chân thật của Bồ Tát thì họ hoàn toàn không biết gì, diệu hạnh không biết thì chánh trí như lý đối với thật tướng các pháp làm sao biết? Chánh trí không sanh thì cảnh giới Viên Giác Như Lai làm sao thể nhập và viên chứng? Hỏi đến thì tung hoả mù bằng cái kiến thức tánh Không, nhưng lại không có phần thể nhập vào Không tánh. Không tánh đã không hội được thì kiến thức đó lấy gì làm chỗ sở y? Họ chỉ dối gạt được những người các căn ám độn, chưa từng biết gì về Bồ Tát hạnh. Những người này tự phá pháp tướng, khi thân hoại mạng chung đoạ vào địa ngục không kịp trở tay, khi thọ báo địa ngục xong lại triển chuyển vào súc sanh đạo phải làm trâu, làm bò, làm chồn vô lượng kiếp như Kinh Giải Thâm Mật đã từng nói. Tôi chân thành khuyến thỉnh các vị nếu chưa thật chứng ngộ lý Không, chưa thật sự liễu ngộ được Giác Tánh, chưa thâm nhập kho tàng Viên Giác của Như Lai, chưa thật sự tách rời ngôn ngữ với cái biết rất Thánh siêu việt tầm tư... thì đừng tự phá pháp tướng mà đoạ lạc đời đời! 

Nếu Bồ Tát tu Bồ Tát hạnh, thực hành đúng như những gì tôi lược nói ở trên thì mau chóng vào biển trí giác không tịch của Như Lai, mau chứng quả Vô Thượng Bồ Đề. 

...



Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2023

 


      ___HUỆ KIẾM

 

Lâm phong nguyệt chiếu lộ tĩnh cầm

Ngự vân thoát kiếm sát sắc không

Sắc không không sắc tâm vô đắc

Huệ kiếm lưu tinh hoạ càn khôn.

                    ೋ- Lương Sơn  Long Viễn-ೋ

      

      慧 

月  風 林    

     

  流 星   

                    __۞  俍 山 龍 遠 ۞__


 Dịch nghĩa:

          ____THANH KIẾM TRÍ TUỆ

Ánh trăng chiếu vào rừng gió trong sương đêm làm cho tiếng đàn tĩnh lặng

Ta cỡi mây tuốt kiếm giết chết tất cả sắckhông

Sắc tức là không, Không tức là sắc, tâm quy về vô sở đắc

Thanh kiếm trí huệ trong tay như sao bay, ta vẽ ra cả càn khôn.


Dịch thơ:

             ____KIẾM TRÍ TUỆ

Nguyệt chiếu rừng phong bóng nguyệt rơi

Hoà quang đàn tiếng biến tịnh soi

Cỡi mây tuốt kiếm phăng tình dứt

Chém nát sắc- không, phá cung trời.

Sắc tức là không?

Không tức sắc?

Tâm lặng như nhiên vô sở đắc!

Kiếm huệ tung hoành như sao bay

Càn khôn ta hoạ …

Anh có hay?

                             ೋ- Lương Sơn  Long Viễn-ೋ






Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2023


 __Lệ Bi Tâm

Hàn băng lệ điểm giang tình thuỷ

Bi thán nhân sinh cánh hồi đầu

Du du mộng lạc trùng vân toả

Phong xuy thiên thượng sử nhân sầu.

                           __۞ Lương Sơn Long Viễn ۞__


        泪 悲 

寒 冰 泪 點 江 情 水
悲 叹 人 生  竟 回 頭
悠 悠 夢 落 重 云 鎖
風 吹 天 上 使 人  愁 

           __۞  俍 山 龍 遠 ۞__


Dịch nghĩa:

__Giọt Lệ Bi Tâm

Giọt lệ lạnh như băng tuyết rơi xuống thành nước một dòng sông tình
Buồn thương thế gian sao chẳng thể quay đầu?
Giấc mộng nối nhau liên hồi bị phủ kín bởi những áng mây trùng trùng bất tận 
Gió thổi trời cao khiến người vẩn mối sầu vạn cổ. 

Dịch thơ:

__Giọt Lệ Bi Tâm

Lệ tình băng hoá lòng ta
Rơi thành biển mặn- ái hà thiên thu
Hỡi ôi! Nhân thế phù du
Tình trong ma ảnh bao giờ thoát đây?
Mây mù bốn phía bủa vây
Mộng trùng thêm mộng- nối ngày tử sanh
Mê- ngộ: Sợi chỉ mong manh
Trời cao gió thổi: Lạnh lòng sầu buông...! 

                                              __۞ Lương Sơn Long Viễn ۞__




Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2022

BỐ THÍ NHƯ PHÁP

ĐOẠN TẬN KHỔ ĐAU


(Đoạn Pháp thoại ngắn này được Sư Phụ Long Viễn khai thị cho một đoàn Phật tử hữu duyên ghé thăm chùa Phật Đảnh Bào Vương)


Hỏi: 

Kính bạch Thầy! Chúng tôi là những doanh nghiệp, xưa giờ thỉnh thoảng đi chùa nhưng ít có dịp tìm hiểu Phật pháp. Chúng tôi thấy những người đi chùa thường hay bố thí, trong khi mọi người đều có chân tay, đầu óc ... họ có thể tự làm tự ăn, nếu họ bần cùng là do quả báo của họ. Bố thí có lợi ích gì? Lý do nào mà đệ tử Phật phải bố thí? Xin Thầy từ bi chỉ dạy!

Đáp: “Bố Thí” là âm Hán Việt, gồm chữ “Bố” và chữ “Thí”. “Bố” là bày ra, ban cho, ban rộng ra, trải khắp nơi... “Thí” còn đọc một âm khác là “Thi”, nghĩa là hiển lộ, thực hiện, áp dụng, làm ngay... “Bố thí” có nghĩa là ban bố cùng khắp, ban cho tất cả ...

Bố thí có đủ thứ lợi ích, như Đại Trí Độ Luận nói: "Bố thí là kho báu, thường theo dõi người. Bố thí làm diệt khổ, đem vui cho người. Bố thí là kẻ đánh xe giỏi mở bày con đường chư thiên. Bố thí là điệu phù tốt thu nhiếp các người lành (thu nhiếp người lành cùng làm nhân duyên). Bố thí là an ổn, khi sắp mệnh chung tâm không sợ hãi. Bố thí là tướng từ tâm, hay cứu chúng sanh. Bố thí là nhóm điều vui, hay phá giặc khổ. Bố thí là đại tướng hay dẹp kẻ địch xan tham. Bố thí là diệu quả được trời người ưa thích. Bố thí là con đường thanh tịnh, hiền thánh dạo đi. Bố thí là cửa chứa phước đức lành. Bố thí là cái duyên để xây dựng nghiệp, quy tụ chúng. Bố thí là hạt giống thiện hành thọ quả. Bố thí là phước nghiệp, tướng của người lành. Bố thí phá nghèo cùng, dứt ba đường ác. Bố thí hay trọn vẹn được quả phước lạc. Bố thí là cái duyên ban đầu của Niết-bàn, là pháp thiết yếu để đi vào trong nhóm người lành, là nguồn phủ của sự tán thán khen ngợi, là công đức để vào giữa chúng không khó khăn, là hang nhà của tâm không hối hận, là căn bản của thiện pháp đạo hành, là rừng rậm của mọi điều hoan lạc, là ruộng phước của giàu sang an ổn, là bến bờ của sự đắc đạo Niết-bàn, là sở hành của Thánh nhân, đại sĩ, trí giả, là chỗ bắt chước của các người kém đức ít biết."

Hay như Đức Phật cũng dạy bố thí có năm lợi ích

1. Được nhiều người ưa thích mến mộ.

2. Được thiên nhân và các bậc chân nhân thân cận.

3. Tiếng đồn tốt đẹp được truyền đi.

4. Không có sai lệch pháp của người gia chủ.

5. Khi thân hoại mạng chung được sinh lên cõi lành thiên giới.

Đặt biệt, có tám lý do mà chúng ta hành bố thí, các vị hãy lắng nghe suy nghĩ và khéo tác ý! Thế nào là tám?

1. Chúng ta thực hành bố thí là vì tình thương yêu với nhau, giữa con người với con người, giữa con người với vạn vật.

2. Chúng ta bố thí có thể vì tâm sân hận.

3. Chúng ta bố thí có thể vì tâm ngu si.

4. Chúng ta bố thí có thể vì sự sợ hãi.

5. Chúng ta cũng có thể bố thí với ý nghĩ: "Trước kia ông cha ta đã bố thí, trước đây các người đã làm; vì thế ta sẽ không xứng đáng nếu ta từ bỏ truyền thống gia đình này!"

6. Chúng ta bố thí có thể với ý nghĩ: "Bằng cách bố thí này ta sẽ tái sanh vào cõi tốt đẹp, vào thiên giới, sau khi chết."

7. Chúng ta bố thí cũng có thể do ý nghĩ: "Khi bố thí như thế này, tâm ta sẽ an vui, hạnh phúc và hỷ lạc sẽ khởi sanh trong ta!"

8. Chúng ta có thể thực hành bố thí vì hành động này làm tâm cao thượng, làm tâm trang nghiêm.

Đấy là tám lý do để chúng ta thực hành bố thí, điều này đã được Đức Thế Tôn chỉ dạy trong Kinh Tăng Chi rất rõ ràng. 

Cũng có câu chuyện thế này:

Thuở Ðức Phật còn tại thế, Ngài đi khắp nơi để giáo hóa chúng sanh. Lúc bấy giờ có một vị Trưởng giả rất giàu, kho tàng dẫy đầy, tôi tớ đông đảo, Trưởng giả ấy là em của Ngài Ðại Mục Kiền Liên.
Một hôm, Tôn giả Mục Liên đến nhà em, bảo rằng: “Tôi nghe chú không ưa bố thí, điều ấy rất không tốt. Ðức Thế Tôn thường dạy: “Người nào hay bố thí, sẽ được hưởng phước báo không lường”. Nay chú được giàu sang như thế này, là do công đức huệ thí từ kiếp trước. Nếu chú cứ ôm lòng lẩn tiếc chẳng những hưởng phước không được bao lâu, mà đời sau do nghiệp bỏn xẻn sẽ mang thân ngạ quỷ, khốn khổ vô cùng.

Nghe lời anh dạy, Trưởng giả mở rộng kho tàng, cúng dường Tam bảo châu cấp cho kẻ nghèo thiếu. Trong khi ấy, ông lại cất thêm kho vựa mới, ý muốn thâu chứa, những của cải, mình sẽ được do phước bố thí, nhưng chưa được bao lâu thì tiền của tiêu mòn, kho cũ đã hết, mà kho mới cũng trống trơn, trưởng giả sanh lòng ảo não, đến thưa với Ngài Mục Liên rằng: Khi trước anh bảo: “Bố thí sẽ được nhiều phước báo” tôi không dám trái lời dạy, đem tất cả ra làm việc phước đức, nay kho tàng đã hết sạch, nhưng phước báo đâu không thấy, hay là tôi đã bị lầm lạc vì anh chăng?”

Tôn giả Mục Liên bảo: “Chú chớ nên nói lời ấy! Chớ nên gây tà kiến cho những kẻ ngu mê! Nếu phước đức đều có hình tướng, thì cảnh giới hư không, dung chứa vào đâu cho hết. Tuy nhiên, nếu chú muốn, tôi có thể chỉ cho thấy một phần ít quả báo của sự bố thí.”

Nói đoạn, ngài Mục Liên dùng sức thần thông đem em lên đến một phương vức ở cõi trời. Nơi đây, một bầu trời thế giới trân kỳ hiển hiện: Lầu các rộng rãi bao la, cảnh trí vui tươi sáng suốt, ao thất bảo gió thơm thanh khiết, hoa Mạn Ðà vẻ đẹp thần tiên! Trưởng giả mục kích sững sờ, ngơ ngẩn, nhìn đông quên tây, lại thấy từ trong cung điện lộng lẫy, chậm rãi đi ra một đoàn ngọc nữ.

Trưởng giả liền hỏi anh rằng: “Ðây là cảnh nào mà phong cảnh xinh tươi như thế? Sao tôi chỉ thấy toàn là người nữ, không có nam nhơn? “Tôn giả Mục Liên bảo: “Chú hãy đến hỏi ngay mấy nàng kia, sẽ được biết rõ”. Trưởng giả đem những lời ấy hỏi, thiên nữ đáp: “Ðây là cung trời Ðao Lợi, chúng tôi ở chốn này đã lâu hưởng phước tự nhiên, những thức ăn mặc tùy niệm hiện ra, không cần phải nhọc sức tạo tác. Bao nhiêu cung điện và tất cả sự trang nghiêm tốt đẹp nơi đây, cho đến sắc thân thanh khiết xinh tươi của chúng tôi, đều là kết quả của sự bố thí. Ngài muốn biết ngài trượng phu của chúng tôi ư? Người ấy không ai xa lạ, chính là những vị nào siêng tu phước đức. Hiện nay, ở cõi nhân gian, về xứ Ca Tỳ La Vệ, Tôn giả Mục Liên vị đệ tử thần lực của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni có một người em ưa bố thí, người ấy không bao lâu mạng chung, sẽ thác sanh lên đây và sẽ là người chủ quản của chúng tôi sau này”.

Nghe thiên nữ nói, trưởng giả bỗng nhiên vui mừng khấp khởi, cảm phát lòng lành, liền trở về chỗ Ngài Mục Liên thuật lại mấy lời ấy. Tôn giả mỉm cười, hỏi gạn lại: “Thế nào? Sự bố thí có phước báo hay không? “Trưởng giả hổ thẹn, sám hối. Sau khi trở về nhân gian, ông lại càng bố thí nhiều hơn và khuyến khích người khác làm theo, không lúc nào biết chán nản.

Thuở xưa, ở thành Xá Vệ có Vị trưởng giả, một ông tên là Tối Thắng, một ông tên là Nan Hàng. Cả hai đều rất giàu có, bảy báu đầy đủ, voi, ngựa, xe cộ, tôi trai, tớ gái đông đúc, ruộng vườn sự sản vô cùng to tát. Nhưng, về tánh tham lam, bỏn xẻn của hai ông này, ở trong nước thật không ai hơn. Trưởng giả Tối Thắng cũng như Nan Hàng, mỗi ông đều xây tường thành cao, làm bảy lớp cửa, dặn gia nhân đừng cho kẻ ăn xin vào nhà. Chưa lấy thế làm đủ, hai ông còn sắm những tấm lưới sắt che giăng khắp trên sân, vì sợ loài chim bay xuống mổ lúa thóc. Cho đến các kho vựa, cũng đều làm bằng sắt, quyết không để loài chuột xoi khoét vào cắn phá đồ vật.

Nghe tiếng hai ông trưởng giả keo bẩn, năm vị đệ tử lớn của Ðức Phật tuần tự nhau dùng phép thần thông, phân thân đi đến mỗi nhà, từ dưới đất bay lên, thuyết pháp giáo hóa. Nhưng kết cuộc, hai ông trưởng giả chẳng nghe lời giảng dạy. Sau rốt, Ðức Phật cũng dùng phép phân thân đi đến, hiện thần lực, ngồi nằm giữa hư không, phóng ánh sáng rực rỡ soi khắp mọi nơi, nói ra pháp màu nhiệm, hai vị trưởng giả tai nghe, nhưng còn chưa hiểu thấu đều tự nghĩ rằng: “Nay Ðức Thế Tôn đã đến nhà, ta không nên để cho Ngài về không” nghĩ như thế, mỗi ông tự vào kho lấy vải để đem ra cúng Phật. Vì còn nặng lòng tham tiếc, hai ông định lựa vải xấu, nhưng lấy lầm phải thứ tốt, khi trở vào đổi, lại lấy thứ khác tốt hơn. Bây giờ, cả hai tâm ý phân vân, nửa muốn đem ra, nửa muốn cất vào, băn khoăn không nhất định.

Lúc ấy, Ðức Phật dùng thiên nhãn xem thấy chư thiên đang đánh với A Tu La, khi được hơn khi bị thua, kia là quả báo của tâm trạng hơn kém trong khi bố thí. Ðức Thế Tôn lại quán sát, đến tâm của hai vị trưởng giả, thì thấy lúc có tâm bố thí hơn, tâm bỏn xẻn thua, có lúc tâm bỏn xẻn hơn, tâm bố thí thua, Ngài liền nói bài kệ rằng:

“Bố thí như chiến tranh
Ðiều ấy Phật không khen
Khi thí là khi đánh
Hai việc ấy đồng nhau”.

Hai vị trưởng giả nghe xong, trong lòng hổ thẹn, cho rằng Ðức Phật đã nói ngay tâm trạng của mình, mỗi vị đều đem vải tốt ra dâng cúng Phật. Cúng dường xong, cả hai tâm trí sáng suốt, đều chứng được đạo quả.

Lại nữa, cũng trong Kinh Tăng Chi Bộ III, có dạy như sau:

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, mẹ của Nanda, nữ gia chủ người Velukandaki làm một thí vật gồm có sáu phần cúng dường chúng Tăng. Bấy giờ, Thế Tôn với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhiên thấy mẹ của Nanda làm một thí vật gồm có sáu phần liền bảo các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có ba phần thuộc về người bố thí và có ba phần thuộc về người nhận vật phẩm bố thí. Thế nào là ba phần thuộc về người bố thí? Này các Tỷ kheo, người bố thí, trước khi bố thí, ý được vui lòng; trong khi bố thí, tâm được tịnh tín; sau khi bố thí, cảm thấy hoan hỷ. Đây là ba phần của người bố thí. Thế nào là ba phần của người nhận phẩm vật bố thí? Ở đây này các Tỷ kheo, những người nhận phẩm vật bố thí, đã được ly tham hay đang thực hành hạnh ly tham; đã được ly sân hay đang thực hành hạnh ly sân; đã được ly si hay đang thực hành hạnh ly si. Đây là ba phần của người nhận phẩm vật bố thí. Như vậy, này các Tỷ kheo, đây là thí vật có sáu phần.

Này các Tỷ kheo, công đức của thí vật sáu phần thật vô lượng: “Là nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện, món ăn an lạc, thuộc thiên giới, là quả lạc dị thục, dẫn đến cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, hạnh phúc và an lạc”.

Cho nên việc bố thí có lý do như thế và có lợi ích như thế, người có trí tuệ phải nên suy nghĩ để thường hành bố thí. Trong Kinh Tăng Chi Bộ II, Đức Phật cũng dạy vì sao chúng ta phải nên bố thí:

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại khu vườn ông Anàthapindika. Rồi Sumanà, con gái vua cùng năm trăm thiếu nữ hộ tống, đi đến đảnh lễ và bạch Thế Tôn:

Ở đây, bạch Thế Tôn, có hai đệ tử của Thế Tôn đồng đẳng về tín, đồng đẳng về giới, đồng đẳng về tuệ, một có bố thí, một không bố thí. Sau khi thân hoại mạng chung, cả hai vị ấy được sanh lên cõi trời hoặc sanh lại cõi người thì giữa hai vị ấy, có sự đặc thù gì, có sự sai khác gì?

Có sự sai biệt, này Sumanà!

Người có bố thí, khi được làm một vị trời hoặc được làm người đều vượt qua người không bố thí trên năm phương diện. Đó là thọ mạng, nhan sắc, an lạc, danh xưng và tăng thượng. Người có bố thí, này Sumanà, khi được làm vị trời hoặc được làm người đều vượt qua người không bố thí về năm phương diện này.

Các vị muốn thực hành hạnh bố thí viên mãn thành tựu để xuất sanh phước báu vô lượng và công đức thì nên y theo năm pháp này. Năm pháp này đã được nói đến trong Ưu Bà Tắc Giới Kinh:

1. Không lựa người có đức hay không đức

2. Chẳng nói việc tốt xấu

3. Chẳng kể dòng họ thân-sơ

4. Chẳng xem thường người xin

5. Không mắng chửi người nhận

Tuy nhiên các vị cũng nên biết thêm rằng: Bố thí phải đúng như pháp thì quả lành mới thành tựu được. Có năm cách bố thí mà không có phước báu, đã được Đức Thế Tôn khai thị trong Kinh Tăng Nhất A Hàm II, chúng ta nên lưu tâm để ý:

1. Lấy dao thí cho người.

2. Lấy độc thí cho người.

3. Lấy bò hoang thí cho người.

4. Lấy dâm nữ thí cho người.

5. Tạo các miễu thần.

 Và ngược lại cũng có năm việc bố thí khiến được phước lớn. Thế nào là năm? 

1. Tạo vườn cảnh.

2. Tạo rừng cây.

3. Tạo cầu đò.

4. Tạo thuyền lớn.

5. Tạo phòng xá trụ xứ cho người qua lại.

Bài kệ này đã được Đức Như Lai nói lên khi Ngài tuyên thuyết xong về bố thí không có phước báu và bố thí phát sanh phước báu lớn, ở trên:

"Vườn cảnh thí mát mẻ

Và tạo cầu đò tốt

Bến sông đưa mọi người

Và làm phòng nhà tốt

Người đó trong ngày đêm

Hằng sẽ nhận được phước

Giới định đã thành tựu

Người này ắt sanh thiên."

Lại nữa, trong Tăng Chi Bộ, Đức Phật dạy: "Này các Tỳ-kheo, có tám sự bố thí của bậc chân nhân. Thế nào là tám? Cho vật trong sạch; cho vật thù diệu; cho đúng thời; cho vật thích ứng; cho với sự cẩn thận; cho luôn luôn; khi cho tâm tịnh tín; sau khi cho tâm luôn hoan hỷ".

Hỏi: 

Thưa Thầy! Ý nghĩa bố thí chúng con đã hiểu. Thầy cho con hỏi: Nếu người nghèo khổ bần cùng thì làm sao mà thực hành bố thí được?

Đáp: 

Kinh Nhân Quả nói: “Này, Thiện nam tử! Dầu cho những kẻ bần cùng trong thiên hạ đi nữa, đâu phải họ không có cái thân, nếu họ không có vật chi bố thí, thì mỗi khi thấy người khác tu bố thí, họ đem thân đến mà hiệp lực giúp đỡ.”  Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, Đức Phật cũng dạy: “Nếu có người bần cùng, không của bố thí, khi thấy kẻ khác bố thí thì nên khởi tâm tuỳ hỷ (tức là vui theo việc bố thí của người khác), phước báu tuỳ hỷ ngang với phước báu của kẻ bố thí không khác. Ấy là việc rất dễ làm.”

Các vị đã có duyên gặp được Phật pháp, nên phát khởi tâm lành thường hành bố thí để hướng đến hiện tại an lạc, sung mãn tài bảo, sức khỏe, tăng trưởng thiện căn, nghiệp chướng tiêu trừ, thành tựu nguyện ước... tương lai tái sanh cõi lành. Nếu có cơ hội làm thiện, có cơ hội bố thí mà không làm thì thật đáng thương xót, khi tử thần mang cái chết đến thì: Ôi thôi! Ô hô! Như người xưa nói:

"Tam thốn khí tại thiên ban dụng

Nhất đán vô thường vạn sự hưu”

Nghĩa là:

"Khi hơi thở còn thì lo tính đủ thứ

Lúc vô thường đến thì mọi việc cũng buông xuôi."

Lại nữa, người có trí tuệ lớn, bậc hữu tâm mới hay giác ngộ, biết thân như huyễn, tiền của không thể bảo toàn; vạn vật vô thường, chỉ có phước đức là có thể nương cậy, đưa người ra khỏi biển khổ, là bến thông đạo lớn.

Khi vô thường mang cái chết đến thì ăn năng hối hận đã không còn kịp nữa. Như Ngài Santideva từng nói:

"Có cơ hội làm thiện 
Mà bỏ qua không làm 
Liệu tôi làm được gì 
Khi thống khổ bức bách? 

Nếu không làm việc thiện
Chỉ toàn làm việc ác 
Dù trải qua muôn kiếp 
Vẫn không biết cõi lành."

Lại nữa, chúng ta phải biết:  Người ưa bố thí, được người kính phục, người ưa bố thí, được quý nhân tưởng nhớ, tiện nhân kính trọng, khi sắp mạng chung, tâm không sợ hãi... Ngài Shantideva dạy tiếp:

"Đức Thế Tôn dạy rằng 
Thân người khó được thay 
Như rùa mù dưới biển 
Cổ ngoi lên trúng ngay
Vào lỗ ván phiêu bồng. 

 Phạm tội nặng chốc lát 
Đã phải bị đọa đày
Vào địa ngục vô gián
Vậy với tội muôn kiếp 
Làm sao sinh cõi lành?" 

các vị nên biết phạm một tội nhỏ thôi, cũng đọa địa ngục bằng 500 tuổi thọ của cõi trời Tứ Thiên Vương. Tứ Thiên Vương là tầng trời thấp nhất trong 6 tầng trời cõi Dục. Về thọ mạng của Tứ Thiên Vương là 500 tuổi (một ngày đêm ở đây bằng 50 năm ở nhân gian). Nếu phạm tội nhỏ thôi mà cũng đọa địa ngục bằng 500 tuổi thọ của cõi trời này, các vị nhân lên thì biết mình đọa lạc thời gian trong địa ngục dài như thế nào. Mà trong đời sống khi vô tình, khi cố ý chúng ta tạo biết bao nhiêu điều tội lỗi? Chúng ta có biết được không? Tội nhỏ còn như thế huống gì tội lớn sẽ như thế nào? Nghĩ đến đây mà giật mình kinh hãi, thật đáng sợ thay! Thật đáng răng dè! Ngài Shantideva dạy tiếp:

"Chờ trả xong ác báo
Cũng khó thoát địa ngục
Bởi trong lúc trả nghiệp 
Lại gây thêm tội mới. 

Khi được thân con người
Là được cơ hội tốt
Cho công việc tu hành
Nếu bỏ cơ hội ấy
Thật không gì điên hơn.

Nếu đã biết như vậy 
Mà vẫn ngu si, lười
Khi thần chết gõ cửa 
Sẽ đau khổ dường bao. 

Lửa địa ngục hừng hực

Đốt thân tôi nhiều kiếp 
Và ngọn lửa ăn năng
Càng hành hạ tâm can.

Thật khó hiểu vì sao
Tôi có được thân người
Khi nhận biết điều này 
Thì rơi vào địa ngục!"

Hôm nay hữu duyên các vị về đây, nhân duyên thưa hỏi, tôi cũng đã vì các vị mà nói sơ lược về lý do bố thí, bố thí như thế nào... Người xưa từng nhắc nhở chúng ta:

"Đã biết chốn ni là quán trọ
Hơn, thua, hờn oán.. để mà chi!
Thử ra ngồi xuống bên phần mộ
Hỏi họ mang theo được những gì!"

Cuộc sống là thế, đời người chóng qua, nhưng mấy ai suy nghĩ đến? Dẫu có suy nghĩ cũng ít người chuyên tu thiện nghiệp, cái chết là cái mà ai ai cũng phải trải qua, anh như thế, tôi cũng như thế! Khi tứ đại ngã xuống rồi thì của cải, tiền tài, nhà cửa, con cái... đều bỏ lại hết; chỉ có nghiệp thiện và nghiệp ác hằng theo mình mà thôi. Như Tôn Giả Shantideva cảnh báo:

"Do tâm nguyện hướng thiện
Mà làm nhiều việc lành
Đến đâu cũng gặp được
Những phước báo hiện tiền.

Những kẻ làm điều ác
Dù cầu mong hạnh phúc
Đến đâu cũng khổ đau
Do gặp quả báo ác."

Như trong Kinh Nikaya, có vị chư Thiên đến hỏi Đức Phật:

"Cho gì là cho lực?

Cho gì là cho sắc?

Cho gì là cho lạc?

Cho gì là cho mắt?

Cho gì cho tất cả?

Xin đáp điều con hỏi!"

Đức Thế Tôn dạy:

"Cho ăn là cho lực.

Cho mặc là cho sắc.

Cho xe là cho lạc.

Cho đèn là cho mắt.

Ai cho chỗ trú xứ,

Vị ấy cho tất cả.

Ai giảng dạy Chánh pháp,

Vị ấy cho bất tử!"

Mọi người chắc ai cũng biết bố thí có ba loại, đó là tài thí, pháp thí và vô úy thí. Tài thí có nghĩa là bố thí tiền của, vật thực, chăm sóc sức khỏe... Tài thí gồm có nội thí và ngoại thí. Nội thí là bố thí những gì trong cơ thể chúng ta: Hiến máu, hiến những bộ phận trong cơ thể của mình. Còn ngoại thí là bố thí những đồ vật bên ngoài: tiền bạc, vật chất, nhà cửa... Tài thí chân chánh là những gì mình bố thí không phải do cướp giật, lừa gạt, trộm cắp... mà có.  Pháp thí tức là bố thí pháp, khiến nghe nghe bỏ ác làm lành, thấy được tội lỗi mà ăn năng sám hối, hiểu được chân lý, giúp chúng sanh chứng ngộ hiện tại lạc trú... Pháp thí là loại bố thí ưu thắng, vì có thể khiến cho chúng sanh đạt được sự bất tử, tức là làm chủ sống chết, đoạn tận khổ đau, chứng ngộ Niết- bàn. Còn vô úy thí tức là bố thí sự không sợ hãi. Bố thí sự không sợ hãi này hệ thuộc và tài thí và pháp thí, đồng thời cũng nhiếp cả tài thí và pháp thí. 

Sự bố thí được xem là thanh tịnh và đem lại phước đức và quả báo lớn thù thắng thì cần phải có đủ ba yếu tố sau:

1) Người bố thí phải có tâm thanh tịnh, trong sạch.

2) Vật được thí phải chân chánh.

3) Người nhận phải được kính trọng tối đa.

Đức của bố thí đưa đến giàu sang an lạc, người trì giới thì được sanh lên trời, thiền trí tâm tịnh, không có nhiễm trước, thời được đạo Niết-bàn. Phước của bố thí là tư lương của đạo Niết-bànNgười thường niệm tưởng bố thí nên hoan hỷ, hoan hỷ nên nhất tâm, nhất tâm quán lý sanh diệt vô thường nên đắc đạo. Cũng như người mong có bóng mát mà trồng cây, hoặc mong có hoa, hoặc mong có quả mà trồng cây. Bố thí vì mong được quả báo cũng như vậy. Đời này, đời sau vui như mong bóng mát. Đạo Thanh-văn, Bích-chi Phật như hoa, thành Phật như quả, ấy là các thứ công đức của bố thí. Các vị nên nghiêm túc suy nghĩ, cố gắng thực hành bố thí, hãy tự răng dè mình mà cần dõng tu hành thiện pháp. 

Cố gắng!

Cố gắng!