Trường Cao Trung cấp Phật Học - Tiền Giang (chùa Vĩnh Tràng)
Chùa Vĩnh Tràng xưa vốn là chỉ là cái am nhỏ, mái lá vách đất, do tri huyện Bùi Công Đạt (người làm quan dưới triều vua Minh Mạng) phát nguyện xây cất vào đầu thế kỷ 19 để tu dưỡng tinh thần sau khi về hưu. Vì vậy người dân địa phương quen gọi là “Chùa Ông Huyện”.
Lúc bấy giờ có Hòa thượng Minh Khiêm – Hoằng Ân là một vị danh Tăng từ chùa Giác Lâm vân du về vùng đồng bằng sông Cửu Long hóa đạo. Đến Mỹ Tho, Ngài được Hòa thượng Từ Lâm – Trụ trì chùa Bửu Lâm kính trọng, mời về chùa cầu Pháp và thỉnh Ngài thuyết giảng Phật pháp cho Phật tử, vợ chồng ông huyện Đạt lúc này cũng đến thính Pháp. Hòa Thượng giảng kinh rất hay nên ông bà huyện Đạt xin quy y, làm Phật tử tại gia, và thỉnh Hòa Thượng về viếng thăm ngôi chùa của mình. Được Hòa thượng Minh Khiêm giới thiệu, ông bà huyện Đạt lên chùa Giác Lâm, Gia Định (Nay là TP. Hồ Chí Minh) thỉnh Hòa thượng Huệ Đăng về trụ trì ngôi am tranh của mình.
Năm 1849, Hòa thượng Thích Huệ Đăng vận động tín đồ xây dựng thành ngôi đại tự, theo lối kiến trúc của chùa Giác Lâm ở Gia Định, nhưng to lớn hơn, với 178 cây cột, 2 sân thiên tỉnh, 5 lớp nhà và hoàn thành vào năm 1849 với tên Vĩnh Trường, xuất phát từ hai câu đối: “Vĩnh cửu đối sơn hà; Trường tồn tề thiên địa”. Người dân vùng lân cận đến nay vẫn quen gọi là chùa Vĩnh Tràng. Hòa thượng viên tịch vào năm 1864 giữa lúc công trình xây dựng còn đang dang dỡ.
Người kế vị hòa thượng Huệ Đăng là hòa thượng Minh Đề, sư đệ của Ngài, nối tiếp công việc trùng tu ngôi chùa. Không bao lâu hòa thượng Minh Đề cũng viên tịch, chùa Vĩnh Tràng rơi vào cảnh hương tàn khói lạnh. Thời gian này có quý Thầy: Quảng Ân, Minh Truyện nối tiếp nhau trông coi chùa nhưng không đủ duyên nên quý ngài ở lại chùa không lâu rồi đi nơi khác.
Năm 1890 tín đồ đã đến chùa Sắc Tứ Linh Thứu thỉnh hòa thượng Trà Chánh Hậu húy Quảng Ân về trụ trì chùa Vĩnh Tràng; Ngài người gốc Minh Hương, quê ở Mỹ Tho, là đệ tử Hòa thượng Minh Phước gốc Tổ đình Bửu Lâm.
Năm 1895 Hòa thượng Chánh Hậu cùng bổn đạo trùng tu toàn bộ ngôi chùa. Đến 1904, do một trận bão lớn, chùa lại bị tàn phá, vì vậy mà 3 năm sau (1907) chùa Vĩnh Tràng mới được trùng tu hoàn thành. Hòa Thượng còn cho xây dựng lại Bảo tháp Tổ Huệ Đăng và phần mộ của ông bà Bùi Công Đạt để tưởng niệm công ơn các bậc tiền bối. Ngoài ra Hòa Thượng còn mua thêm 12 sở đất để làm tài sản cho chùa, giúp cho hậu thế có cơm gạo để an tâm tu học.
Hòa thượng Chánh Hậu viên tịch ngày 9 tháng 9 năm 1923, hưởng thọ 72 tuổi. Trụ trì chùa Vĩnh Tràng 33 năm (1890 -1923). Kế tục sự nghiệp của Ngài là Hòa thượng Minh Đàn, pháp danh Tâm Liễu, tự An Lạc. Ngài người làng Mỹ Phong, tổng Thạnh Phong, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang). Ngài là đệ tử của Hòa thượng Chánh Hậu.
Năm 1930 Hòa thượng Minh Đàn đứng ra trùng tu lại chùa Vĩnh Tràng với quy mô kiểu cách hài hòa giữa văn hóa xứ chùa Tháp và lối kiến trúc phương Tây như hiện nay. Đặc biệt Ngài cho xây dựng lại cổng Tam Quan, mặt tiền chùa, Chánh điện, nhà Thờ Tổ và Bảo tháp Hòa thượng Bổn sư bằng đá trắng của xứ Đà Nẳng.
Cổng Tam Quan tráng lệ do những nghệ nhân xứ Huế thực hiện 1933. Về kinh phí được hai ông Huỳnh Tri Phú và Lý Văn Quang hỗ trợ. Chiếc cổng giữa bằng sắt lâu nay vẫn đóng kín. Hai cổng bên xây gạch vươn cao như hai tòa lâu đài cỗ. Nét độc đáo của Tam Quan chùa Vĩnh Tràng thể hiện ở nghệ thuật ghép mảnh sành, mảnh sứ để tạo nên những bức tranh với màu sắc hài hòa, minh họa những sự tích nhà Phật, những truyện tích dân gian và những đề tài Tứ quý, Tứ linh, hoa lá… Tầng lầu thượng của cổng Tam Quan có vòm cửa rộng. Bên phải đặt tượng Hòa thượng Chánh Hậu, bên trái đặt tượng Hòa thượng Minh Đàn. Cả 2 tượng này đều đắp bàng xi măng giống như người thật, do điêu khắc gia Nguyễn Phi Hoanh thực hiện.
Ngày 30 tháng 8 năm 1984 chùa được xếp hạng Di Tích Lịch Sử Văn Hóa cấp Quốc Gia. Và được xếp hạng Di Tích Nghệ Thuật Kiến Trúc Cấp Quốc Gia ngày 6 tháng 12 năm 1989. Năm 2007, chùa Vĩnh Tràng được kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận là “Ngôi chùa đầu tiên ở Việt Nam có phong các kiến trúc kết hợp giữa phương Đông và phương Tây”. Năm 2013, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam công nhận chùa Vĩnh Tràng là Điểm Du Lịch Văn Hóa Tâm Linh trong chương trình Việt Nam – Những Điểm Đến Ấn Tượng
Bảng Tóm tắt các đời Trụ trì chùa Vĩnh Tràng:
1. Hòa thượng Huệ Đăng: Trụ trì từ năm 1849 – 1864.
2. Thầy Minh Đề: Trụ trì năm 1864
3. Thầy Quảng Ân
4. Thầy Minh Truyện
5. Hòa thượng Chánh Hậu: Trụ trì từ năm 1890 - 1923
6. Hòa thượng Minh Đàn: Trụ trì từ năm 1923 - 1939
7. Hòa thượng Phật Ấn: Trụ trì từ năm 1939 - 1943
8. Hòa thượng Thích Trí Long: Trụ trì từ năm 1954 - 1987
9. Hòa thượng Thích Bửu Thông: Trụ trì từ năm 1987 - 1988
10. Hòa thượng Thích Hoằng Từ: Trụ trì từ năm 1988 - 1991
11. Hòa thượng Thích Hoằng Thông: Trụ trì từ năm 1992 - 1994
12. Hòa thượng Thích Nhựt Long: Trụ trì từ năm 1995 - 2002
13. Hòa thượng Thích Huệ Minh: Trụ trì từ năm 2002 đến nay.
Năm 2015, nhận thấy phía sau chùa vẫn còn một khu đất trống bị bỏ hoang, Hòa Thượng đã nhờ thiết kế và tiếp tục cho xây dựng công trình Bảo tháp Thất Phật và khu Giảng đường Huệ Đăng II làm nơi sinh hoạt học tập cho Lớp Cao Đẳng Phật học. Bảo Tháp được xây dựng với chiều cao 35m, gồm một tầng trệt và 7 tầng lầu; Tầng trệt thờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni và các vị Bồ Tát; Các tầng lầu, mỗi tầng thời một vị Phật và ba vị A La Hán; Riêng tầng thứ 7 tôn trí 15 bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Khu giảng đường Huệ Đăng II được thiết kế một trệt một lầu, bên trong là những dãy bàn ghế học, với sức chứa khoảng 200 chổ ngồi cho một phòng.
Đặc biệt, khi nói đến chùa Vĩnh Tràng, mọi người đều biết đây là trung tâm Phật giáo của tỉnh Tiền Giang; Nơi này được dùng làm Văn phòng BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang từ khi thành lập (năm 1983) cho đến nay. Chùa cũng là nơi tổ chức các sự kiện quan trọng của Phật giáo tỉnh nhà như: Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh, mở Đại Giới đàn truyền giới cho Tăng ni, tổ chức khóa An cư kiết hạ, tổ chức Đại lễ Phật Đản, Các lễ Tưởng niệm chư Phật, Bồ tát, chư lịch đại tiền bối Hòa thượng Tổ sư, …
Năm 2016, với cương vị Hiệu Trưởng Trường Trung cấp Phật học tỉnh Tiền Giang, mong muốn đào tạo được nhiều thế hệ Tăng tài làm rường cột cho Phật giáo tỉnh nhà lâu dài về sau, Hòa Thượng tiến hành các thủ tục xin phép và chánh thức mở lớp Cao Đẳng Phật học Tiền Giang khóa I. Văn phòng và lớp học đặt tại Giảng đường Huệ Đăng II, chùa Vĩnh Tràng.
Nguồn:
http://www.phatgiaotiengiang.org/tp-my-tho-lich-su-chua-vinh-trang.html
Chi tiết Tài liệu
(0273) 387 3427 - 0949 354 627